Ngay sau Tết, các đại gia bất động sản có tên tuổi tại thị trường TP.HCM đều đã chủ động rời khỏi địa bàn truyền thống. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương: Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên… Những cái tên như Vingroup, Sun Group, Novaland, FLC và hàng loạt những doanh nghiệp lớn nhỏ đều đổ ra biển dù nơi đó cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Nóng hay sốt, lợi nhuận khổng lồ hay chưa hạ hồi phân giải, họ chỉ đi vì phải nói lời tạm biệt TP.HCM đang vô vàn khó khăn cho đầu tư bất động sản.
Đã hơn 3 tháng, cả TP.HCM không có một dự án mới nào chào đời, cũng chưa hề có động thái nào cho thấy các công ty đã hoàn thành xong các thủ tục pháp lý để ra mắt những khu bất động sản mới. Chậm chạp, đứng yên, không dám ký, sợ trách nhiệm, đang thanh tra, vẫn rà soát, chưa xong giấy tờ… là hàng loạt những ngôn từ ngán ngẩm mà cả chủ đầu tư lẫn khách hàng ở thành phố năng động nhất nước này luôn phải nghe vài tháng qua.
Cần phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, không thể để lợi dụng chính sách vun vén cho lợi ích nhóm, nhất quyết không cho tài sản công lọt vào vào tay tư nhân với giá bèo bọt, đảm bảo không thất thu ngân sách… Tôi nghĩ ở đâu hay bất cứ thành phố nào thì những điều kiện tiên quyết trên cũng nên được áp dụng và nhất quán. Nhưng quá máy móc, quá rập khuôn và cả quá lo sợ thì không chỉ doanh nghiệp khó khăn, khách hàng vất vả mà nền kinh tế cũng lao đao.
Không có dự án mới, chưa có nguồn thu cũng chẳng có công trình nào để vô số các ngành nghề “cộng sinh” như xây dựng, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng… kiếm được chút lợi lộc còm cõi trong những ngày tháng khó khăn này. Cẩn thận là cần thiết, kỹ càng cũng khó bỏ qua nhưng rồi sẽ ra sao khi các doanh nghiệp quá ngán ngẩm và mỏi mòn với núi giấy tờ, đống thủ tục và rừng rào cản để phải tạm lánh ra biển chờ thời?
Các doanh nghiệp bất động sản chắc chắn biết những dòng báo cáo “bất động sản nghỉ dưỡng 2018 ghi nhận sự sụt giảm thanh khoản ở biên độ lớn của cả biệt thự lẫn condotel. Sức tiêu thụ condotel và biệt thự biển trong năm 2018 đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2017. Riêng biệt thự nghỉ dưỡng có tỷ lệ tiêu thụ giảm đến 46%. Tương tự, loại hình condotel cũng giảm mạnh giao dịch khi sức mua toàn thị trường chỉ khoảng 2.600 căn trong số 4.596 căn mới mở bán, giảm 45% so với năm trước”. Nhưng họ vẫn ra biển, vẫn “gạt nước mắt” tạm biệt TP.HCM vì chẳng lẽ ngồi chơi, nhìn những đối thủ “chiếm” nốt những “miếng ngon” cuối cùng?
Giờ đây không chỉ những đại gia tên tuổi lâu nay mà Địa ốc Phú Long, Tập đoàn W.C.G Holdings; Tập đoàn Deawoo; Beegreen, TTC, AE Corp, TMS, Pagas, Apec Corp, Ánh Dương Group… cũng đua nhau ra biển, nhảy vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Không phải TP.HCM, Hà Nội hết nhu cầu, thiếu vắng khách hàng mà họ phải ngậm ngùi ra đi vì không muốn chậm chân và e ngại chờ đợi trong vô vọng, mỏi mòn. Họ phải lựa chọn khi TP.HCM chưa biết khi nào có câu trả lời mọi việc rồi sẽ hanh thông, thuận lợi.
Ra đi là để trở về, nhưng khi nào quay lại thì câu trả lời có lẽ phải đến từ cấp trên của thành phố lớn nhất nước này. “Lò” vẫn phải đốt nhưng phát triển cũng không thể dừng và ai sợ không dám làm gì thì nên “đứng sang một bên” chứ không thể để doanh nghiệp cứ phải “gạt nước mắt” ngậm ngùi ra đi và Thành phố “đứng yên” như vậy…